Song Tinh Bất Dạ Nguyễn_Hữu_Hào_(tướng)

Giới thiệu

Song Tinh Bất Dạ được Nguyễn Hữu Hào viết trong những năm làm trấn thủ Quảng Bình (1704-1713). Đây là tác phẩm diễn nôm từ truyện Định tình nhân (những người có tình gắn bó) của một tác giả không rõ tên, người Trung Quốc sống vào khoảng cuối nhà Minh đầu nhà Thanh.

Tác phẩm này từng bị thất lạc trong nhiều năm. Đầu thế kỷ 20, nhà nho Lâm Hữu Lân phát hiện được bản in năm Gia Long thứ nhất (1802) nhan đề Song Tinh truyện. Sau khi ông đã phiên âm, năm 1962, cháu ông là nhà thơ Đông Hồ đã cho công bố tại Sài Gòn.[5]. Nhưng đó là bản chưa sát với bản Nôm, phải đến năm 1987, Hoàng Xuân Hãn mới công bố tiếp bản phiên âm chính xác hơn.[6]

Lược truyện

Cha của Song Tinh tự Bất Dạ là quan đồng liêu thân thiết với Ngự sử Giang Chương, tự Giám Hồ. Nên khi Song Tinh chào đời, ông đã cho bạn nhận Song Tinh làm con nuôi. Sau đó, vợ Giám Hồ sinh một người con gái là Nhụy Châu.

Thế rồi cha Song Tinh mất, hai gia đình cách trở mãi cho đến khi Song Tinh lớn lên. Nghe lời mẹ, Song Tinh tìm đến nhà họ Giang, xin trọ học ở đó.

Gần gũi, Song Tinh và Nhụy Châu yêu nhau, nhưng gặp một trở ngại, về danh nghĩa họ là anh em. Song Tinh tương tư tuyệt vọng suýt chết. Vì thương cảm, bố mẹ Nhụy Châu hứa sẽ gả con gái cho.Dốc chí học, Song Tinh thi đỗ Trạng nguyên. Đỗ phò mã muốn Song Tinh làm rể của mình nhưng bị từ chối, nên lập mưu đẩy chàng đi đánh giặc Phiên...

Ở nhà Nhụy Châu bị Hách Nhược Sinh, con một đại quan, đến cầu hôn. Bị từ chối, Sinh lập mưu đưa nàng tiến cung. Giữa đường, Nhụy Châu tự tử, nhưng được hai đày tớ của Song tinh cứu sống, đưa nàng về ở nhà mẹ Song Tinh.

Ngoài biên cảnh, vì phục tài Song Tinh nên đối phương chịu xưng thần với Triều đình. Khi về đến nhà, Song Tinh đau đớn khi biết Nhụy Châu đã chết. Theo di ngôn của nàng, Song Tinh cưới Thể Vân, thị tỳ của Nhụy Châu, nhưng không chung chăn gối để giữ trọn niềm chung thủy.

Lấy cớ bận việc quân, Song Tinh cho Thể Vân sang nhà phụng dưỡng mẹ. Ở đấy, Nhụy Châu và Thể Vân gặp nhau. Ít lâu sau Song Tinh trở về, gặp Nhụy Châu ở nhà mẹ. Hai người kết lại duyên xưa, gia đình sum họp.

Đánh giá

Truyện miêu tả một cuộc tình duyên tự do, vượt ra ngoài ràng buộc của lễ giáo phong kiến; vượt qua những thành kiến hẹp hòi và cường quyền, bạo lực để cuối cùng kết thúc bằng sự thắng lợi của tình yêu chung thủy. Truyện cũng tố cáo lối sống xa hoa và tính cách độc ác, hèn hạ của vua chúa phong kiến, đề cao chính nghĩa cùng khát vọng hạnh phúc lứa đôi... Lời thơ tuy mộc mạc bình dị đôi chỗ còn thô sơ, vụng về... nhưng là một trong những tác phẩm buổi đầu khá thành công của thể truyện Nôm Việt Nam thế kỷ thứ 18.[7].